ỦY BAN NẮM TRONG TAY TƯƠNG LAI TIKTOK Ở MỸ

TikTok đối mặt nguy cơ bị cấm ở Mỹ nếu công ty chủ quản Trung Quốc không thoái vốn hoặc không thể thuyết phục Ủy ban Đầu tư Nước ngoài về kế hoạch tái cấu trúc.

TikTok, mạng xã hội với hơn 150 triệu người dùng ở Mỹ, đã bị giám sát nghiêm ngặt trong nhiều năm, khi nhiều người cho rằng công ty chủ quản ByteDance có thể chia sẻ dữ liệu người dùng với chính phủ Trung Quốc hoặc thúc đẩy lan truyền thông tin sai lệch.

Sau khi cấm vận xuất khẩu một số công nghệ cho Trung Quốc và gần đây thông qua luật cấm TikTok trên các thiết bị của chính phủ, các nhà lập pháp Mỹ giờ muốn theo đuổi lệnh cấm ứng dụng trên quy mô toàn quốc. Họ đã thúc giục Ủy ban Đầu tư Nước ngoài ở Mỹ (CFIUS) nhanh chóng đưa ra kết luận về ứng dụng.

Trong ít nhất hai năm qua, chính phủ Mỹ đã cố gắng gây sức ép để công ty mẹ Trung Quốc ByteDance thoái vốn khỏi TikTok. TikTok hồi giữa tháng này cho biết chính quyền Biden đã yêu cầu nền tảng phải bán mình cho một công ty Mỹ.

Thực tế, Ủy ban Đầu tư Nước ngoài ở Mỹ (CFIUS) đã tiến hành đánh giá về ứng dụng mạng xã hội này từ năm 2019. Đây là ủy ban bao gồm các thành viên từ Bộ Ngoại giao, Tư pháp, Năng lượng và Thương mại, cùng nhiều người khác, chịu trách nhiệm điều tra những rủi ro an ninh quốc gia từ đầu tư nước ngoài vào các công ty Mỹ. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen là người giám sát CFIUS.

Cựu Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin năm 2020 cho biết CFIUS khi đó đang xem xét liệu tổng thống Donald Trump có thể cấm TikTok ở Mỹ hay không. Các thành viên của ủy ban đã nhất trí rằng TikTok không thể duy trì cách hoạt động ở Mỹ bởi nó "có nguy cơ chia sẻ thông tin về 100 triệu người dùng Mỹ".

Sau khi ông Biden lên nắm quyền, chính sách của Mỹ với TikTok đã nới lỏng nhưng nó quyết liệt trở lại trong thời gian gần đây.

Ứng dụng TikTok trên một màn hình điện thoại trong ảnh chụp hồi tháng 2/2019. Ảnh: Reuters

Ứng dụng TikTok trên một màn hình điện thoại trong ảnh chụp hồi tháng 2/2019. Ảnh: Reuters

Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ leo thang, giám đốc điều hành TikTok Shou Zi Chew tuần trước điều trần trước Ủy ban Năng lượng và Thương mại Hạ viện Mỹ. Ông bị vây quanh với những câu hỏi về an toàn trực tuyến và quyền riêng tư của người dùng. Chew cũng nhiều lần bị chất vấn về ảnh hưởng của Trung Quốc đối với ByteDance.

"TikTok không hoạt động ở Trung Quốc và hiện trụ sở của chúng tôi nằm ở Los Angeles và Singapore. Song tôi không phủ nhận những người sáng lập ByteDance là người Trung Quốc. Tôi cũng không nói rằng chúng tôi không sử dụng nhân viên Trung Quốc. Chúng tôi sử dụng chuyên môn của họ cho một số dự án kỹ thuật", Chew nói.

CFIUS có trách nhiệm sàng lọc các giao dịch kinh doanh giữa công ty Mỹ và các nhà đầu tư nước ngoài. Họ có thể chặn các giao dịch hoặc buộc các bên phải thay đổi điều khoản thỏa thuận nhằm bảo vệ an ninh quốc gia Mỹ.

Quyền hạn của ủy ban đã được mở rộng đáng kể vào năm 2018 thông qua Đạo luật Hiện đại hóa Đánh giá rủi ro đầu tư nước ngoài (FIRRMA) của quốc hội Mỹ. Hồi tháng 9 năm ngoái, Tổng thống Mỹ Joe Biden ban hành sắc lệnh hành pháp, cho phép mở rộng phạm vi đánh giá của ủy ban, như thỏa thuận hợp tác có thể ảnh hưởng như thế nào tới chuỗi cung ứng của Mỹ hoặc gây rủi ra sao với dữ liệu cá nhân nhạy cảm của người Mỹ.

CFIUS trước đây tập trung vào các lĩnh vực như vận chuyển hoặc sản xuất khi đánh giá ảnh hưởng của các giao dịch với an ninh quốc gia. Tuy nhiên, ủy ban này giờ quan tâm nhiều hơn tới các mạng xã hội phổ biến. Họ đã yêu cầu chủ sở hữu Trung Quốc Kunlun thoái vốn khỏi ứng dụng hẹn hò Grindr vào năm 2019.

Vai trò của CFIUS cũng được chú ý vào năm ngoái sau khi tỷ phú Elon Musk mua lại Twitter, khiến nền tảng rơi vào hỗn loạn. Bà Yellen đã đề cập liệu CFIUS có nên đánh giá thương vụ này, dựa trên các khoản đầu tư của Musk vào Trung Quốc và mối quan hệ của ông với các nhà tài chính Arab Saudi.

CFIUS đã yêu cầu ByteDance thoái vốn khỏi TikTok và nếu công ty từ chối, Mỹ có thể ấn định rằng việc những thực thể khác làm ăn với TikTok là vi phạm pháp luật. Điều đó sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động của TikTok vì các đối tác ngân hàng, quảng cáo, cửa hàng ứng dụng sẽ không thể làm việc với họ.

Chew khẳng định công ty không quan tâm đến việc bán mình cho một doanh nghiệp khác, dù trước đây TikTok từng cân nhắc khả năng này. TikTok từng đàm phán để bán mình cho Microsoft sau khi chính quyền Trump gây áp lực vào năm 2020. Tuy nhiên, Microsoft cho biết TikTok cuối cùng từ chối đề nghị của họ. Dù TikTok sau đó nói rằng họ sẽ bán mình cho Oracle và Walmart, điều này cũng không được thực hiện.

Nếu TikTok đồng ý bán mình trong tương lai, CFIUS sẽ phải phê duyệt thương vụ này. Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc, vốn không ủng hộ cưỡng ép thoái vốn, cũng có thể can thiệp.

TikTok đang cố thuyết phục CFIUS rằng họ đã giảm thiểu những lo ngại về an ninh quốc gia Mỹ với kế hoạch mang tên Dự án Texas trị giá 1,5 tỷ USD, chuyển tất cả dữ liệu người dùng Mỹ tới các máy chủ do gã khổng lồ phần mềm Oracle của Mỹ sở hữu.

"Khi quá trình đó hoàn tất, dữ liệu sẽ nằm dưới sự bảo vệ của luật pháp Mỹ và dưới sự kiểm soát của nhóm an ninh do Mỹ dẫn dắt. Với cấu trúc này, chính phủ Trung Quốc sẽ không có cách nào tiếp cận chúng", Chew nói.

Anupam Chander, giáo sư luật công nghệ tại Đại học Georgetown ở Mỹ, nói thông thường CFIUS có thể chấp nhận giải pháp thỏa hiệp như vậy. Tuy nhiên, trong trường hợp của TikTok, không rõ liệu ủy ban có đồng ý với phương án mà công ty nêu ra không. Nếu CFIUS bác bỏ, Chander cho rằng họ nên giải thích rõ lý do họ thấy kế hoạch chưa đủ thuyết phục, vì TikTok đã thực hiện tái cấu trúc công ty quy mô lớn.

"TikTok đề xuất rất nhiều kiểm toán viên của bên thứ ba được trả lương cao để thường xuyên giám sát dữ liệu. Đây là một chương trình tốn kém đối với TikTok. Họ cần được giải thích rõ nếu bị từ chối", Chander nói.